04/06/2021
Khảo sát của VnExpress cho thấy, loạt doanh nghiệp sản xuất thép trong nước như Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Thép miền Nam, Việt Đức, Tungho hay Kyoei... đều tăng giá bán thép các loại từ tháng 3 và dồn dập báo giá tăng theo ngày từ đầu tháng 4 đến nay.
Hiện thép cuộn Hoà Phát CB240 D6, D8 (đường kính 6-8 mm) được các đại lý chào mức giá 16,4 triệu đồng một tấn; thép cây CB400V giá dao động 15,6-15,75 triệu đồng một tấn tuỳ đường kính.
Tương tự, Công ty Vina Kyoei báo giá thép cuộn CB240 ở mức 16,5 triệu đồng với loại D6, D8 và loại D10 mức 15,4 triệu đồng một tấn. Trong khi đó thương hiệu Thép miền Nam cũng ghi nhận mức 16,7 triệu đồng một tấn với thép cuộn CB240 D10 và 15,7 - 15,9 triệu đồng một tấn thép CB400V D10, D12.
So với hồi đầu tháng 4, mỗi tấn thép cuộn đã tăng gần 1 triệu đồng và thép cây tăng 1,5-2 triệu đồng mỗi tấn. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT cũng như chi phí vận chuyển tới công trình.
Sản xuất thép tại một nhà máy ở An Giang. Ảnh: Phương Đông.
Giá tăng giúp ngành thép được lợi về giá, song các doanh nghiệp dùng thép là vật liệu sản xuất hay nhà thầu xây dựng lại rơi vào cảnh "đứng ngồi không yên".
Lập dự toán thầu một công trình xây dựng tại Hải Phòng, anh Hải - kỹ sư một công ty xây dựng ở Hà Nội đã phải thay đổi bảng tính tới ba lần trong một tuần vì giá thép liên tục biến động. Thực tế giá thép đã tăng "rả rích" từ đầu năm nay và vào chu kỳ "sóng" tăng phi mã từ đầu tháng 4.
"Có doanh nghiệp thép trong 10 ngày đầu tháng 4 đã sáu lần thay đổi báo giá, với mức tăng tổng cộng trên một triệu đồng mỗi tấn. Giá thay đổi liên tục khiến người làm dự toán công trình 'không biết đâu mà lần. Công trình công ty anh nhận làm hồi đầu năm từ có lãi thành lỗ cũng vì giá thép tăng 40-50%", anh Hải nói.
Mỗi dự án xây dựng dân dụng, thường thép chiếm tỷ trọng 10-30% tổng giá trị dự án, vì thế biến động giá mặt hàng này tác động rất mạnh tới các nhà thầu. Không ít doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu cho biết, việc thép tăng giá từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả dự án mà họ đã ký hợp đồng với đối tác, khả năng nhận thầu các dự án vì thế bị co lại.
"Hiện các nhà thầu cạnh tranh rất quyết liệt bằng giá chào thầu, nên hiệu quả kỳ vọng thường rất thấp, chỉ đủ chi phí để duy trì sản xuất, lấy dòng tiền nuôi bộ máy. Mỗi đợt tăng giá thép như vậy nhà thầu lại càng thua lỗ và khó khăn thêm", ông Quang Trung - Phó giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng nền móng Long Giang chia sẻ.
Với ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ, sắt thép là nguyên vật liệu chính. Giá mặt hàng này tăng gần 50% từ đầu năm khiến ông Ngọc - Giám đốc Công ty thương mại Hà Nội nói "doanh nghiệp cầm chắc lỗ". Với các hợp đồng đã ký công ty của ông Ngọc không thể tăng giá thành sản phẩm, còn với các đơn hàng tương lai vị này cho hay, chắc chắn giá sẽ tăng 20-30%.
Lo ngại giá thép sẽ tăng tiếp, doanh nghiệp đã phải ứng số tiền lớn để mua thép, trữ sẵn trong kho. Nhưng không phải giờ cứ muốn mua là có sẵn hàng. "Doanh nghiệp muốn lấy hàng phải báo trước vài ngày hoặc cả tuần vì hiện thép khá khan hiếm, thậm chí doanh nghiệp thanh toán trước đơn hàng mà vẫn không chắc chắn có", vị Giám đốc chia sẻ.
Các doanh nghiệp thép trong nước lý giải tăng giá bán thép do giá phôi thép, thép phế và nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép tăng cao trên toàn cầu. Giá quặng sắt hiện ở mức trên 170 USD một tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Thép cuộn cán nóng cũng ghi nhận tăng 44% so với cùng kỳ, ngưỡng giá 660 USD một tấn. Chưa kể, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh.
"Chúng tôi đã nỗ lực bình ổn giá thị trường, song giá phôi, nguyên liệu tăng liên tục buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán các chủng loại hàng thép", đại diện Thép Việt Đức chia sẻ trong thông báo gửi tới khách hàng.
Bảng giá thép liên tục thay đổi, nên các đại lý báo giá với khách hàng hàng ngày thay vì tuần như trước và không quên nhắn nhủ "báo giá chỉ có tính chất tham khảo tại thời điểm được lập, giá có thể thay đổi".
Phân tích của các chuyên gia ngành thép cho thấy, chu kỳ tăng giá mặt hàng này vẫn còn tiếp diễn đến cuối năm nay. Một số dự án hạ tầng, đầu tư công lớn sắp triển khai như cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành... cùng sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ khiến nhu cầu thép tăng 3-5% so với 2020.
Giá thép trong nước tăng cao còn do tác động từ cầu trên thị trường thế giới khi nguồn cung thiếu hụt và thời gian giao hàng kéo dài ở Mỹ, châu Âu. Chưa kể nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước.
Khó khăn vì Covid-19 khiến đơn hàng "trồi sụt", không nhiều dự án xây dựng khởi công, song vì mức độ biến động quá lớn của thép - loại vật liệu chính của sản xuất, xây dựng, các nhà thầu xây dựng, doanh nghiệp phụ trợ cho biết họ phải từ chối không dám nhận dự án, đơn hàng. "Đã có ít nhất 2 dự án xây dựng Công ty Long Giang phải từ chối không làm từ đầu năm tới giờ vì giá thép tăng quá cao, làm là cầm chắc lỗ", Phó giám đốc Công ty Long Giang nói.